Ghi nhận công lao Ya_Dố

Như đã nói ở trên, để có đủ lương thực cho đội ngũ nghĩa quân ngày càng đông, bà Ya Dố đã tổ chức việc khai hoang ở Tú Thủy, tạo một cánh đồng rộng hơn 20 mẫu, mà ngày nay vẫn còn dấu vết của bờ ruộng. Nơi sản xuất ấy được nhân dân gọi là "Cánh đồng Cô Hầu" (vì bà từng được dân gian gọi là "Cô Hầu Đốc Tướng") để ghi nhớ đóng góp to lớn của bà và người Ba Na đối với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

Và không chỉ khai hoang làm ra lúa và bắp, bà Yă Dố còn tổ chức trồng những vườn cam, vườn mít ở các vùng Vĩnh Sơn (Bình Định), Kông Hà Nừng (Gai Lai), Kông Chơ Vi (An Khê)...Ở xã Đông (tức Plây Đê Hmâu xưa) còn những cây mít cổ thụ rất sai trái. Ở Kông Hà Nừng cũng như ở Vĩnh Sơn, còn nhiều vườn cam rộng. Theo người xưa truyền lại, thì tất cả đều do bà Ya Dố mua giống từ dưới xuôi mang lên trồng, để lấy trái bồi dưỡng cho nghĩa quân. Những vườn cam ấy đến nay vẫn được gọi là "vườn cam Tây Sơn" [5].